Văn hoá cà phê yêu thích ba đời nhà tôi

Văn hoá cà phê qua 3 đời

3 đời nhà tôi thích uống cà phê. Cứ mỗi dịp được quây quần bên nhau, nhà tôi phải tranh thủ “chém gió” xíu về cà phê. Nó dường như trở thành thứ văn hoá cà phê gắn liền với cuộc sống của chúng tôi.

Cà phê vợt – văn hoá cà phê biểu trưng cho “hồn” Sài Gòn

Đời ông tôi thích uống cà phê vợt. Đến tận bây giờ, qua bao nhiêu năm ông cho rằng; không một hương vị cà phê nào có thể sánh được với cà phê Vợt mà ông từng thưởng thức. Thứ thức uống màu nâu hương vị nhẹ nhàng, không đắng gắt, thơm nồng, hậu vị ngọt và chút béo. Kèm thêm bình trà nóng và tờ báo, thả hồn vào những khoảng trống bình yên giữa Sài Gòn tấp nập là hết sảy.

Hình ảnh cái vợt quen thuộc gắn liền với thức uống “bất hủ” của người Sài Gòn

Sở dĩ gọi là cà phê vợt vì phải dùng một cái vợt vải để pha cà phê. Bột cà phê được cho vào vợt sau đó trụng với nước sôi. Nhiều quán còn cầu kì đựng nước sôi trong siêu đất. Siêu đất giúp cà phê giữ mùi. Vì vậy khi nhấp từng ngụm, bạn sẽ cảm nhận được vị cà phê đậm đà tan chảy từ đầu lưỡi đến cổ họng. Thường thì sẽ không bao giờ giặt vợt bằng xà phòng vì sẽ làm mất mùi cà phê. Các cửa quán chỉ rửa bằng nước sạch là đủ. Vợt càng dùng lâu năm, càng đen thì pha cà phê lại càng ngon.

Uốn cà phê để hoài niệm những điều xưa cũ

Hơn cả việc thưởng thức cà phê, người ta uống cà phê vợt còn để ôn lại những ký ức gắn với Sài Gòn xưa. Kể cho nhau nghe những câu chuyện mang đậm ký ức tuổi thơ về ly cà phê được pha chế bằng vợt – nơi bắt nguồn thứ thức uống đúng chất người Sài Gòn thời xưa. Hay đơn giản là tìn cảm giác bình yên, thư thái giữa thành phố rộng lớn nhộn nhịp. Cà phê vợt thực sự đã trở thành nhân chứng sống cho sự giao thoa giữa hoài cổ và hiện đại của mảnh đất Sài Gòn.

Sài Gòn cà phê sữa đá!

Đời bố tôi lại khác,ông thích uống cà phê sữa đá. Cứ mỗi sáng thức dậy mẹ tôi sẽ pha cho ông một ly cà phê thêm chút sữa. Uống một hơi là đầu óc tỉnh táo cả ngày. Cho đến giờ khi nghỉ hưu, ly cà phê bình dân ấy vẫn níu chân được ông lại. Cái hương vị ngọt thơm lan toả vòm họng rồi sinh ghiền.

Những ly cà phê sữa ở bệt được pha chế đơn giản. Ít sữa bên dưới, một ít cà phê đã pha sẵn đổ vào, khuấy lên tạo thành một màu nâu đặc trưng nên một vài người thường gọi cà phê sữa là nâu đá. Sau khi khuấy đều, người bán cho một ít đá vào, tiếp tục chế một lớp cà phê đen lên.

“Sài Gòn – cà phê sữa đá” trở thành câu nói quen thuộc của rất nhiều người

Sài Gòn được xem là “thủ phủ” của cà phê sữa đá. Đi đâu cũng thấy quán cà phê. Người người trên tay ly cà phê sữa đá, ở quán cóc bên đường hay trong nhà hàng sang trọng, bất kể sáng sớm hay chiều tối. Ly cà phê sữa đá Sài Gòn từ lâu đã không chỉ đặc trưng bởi hương vị. Nó còn bởi chất con người, chất cuộc sống Sài thành thấm dần vào hương vị ấy. 

Khi văn hoá cà phê được giao thoa chạm tới hiện đại

Đến đời tôi lại thì thích cà phê vừa phải đẹp vừa phải ngon. Thế nên tới bất kỳ tiệm cà phê nào cũng thường order cho mình một ly Latte và xem đó là chân ái. Tôi thích thú nhìn dòng chảy espresso. Rồi say mê xem Barista tỉ mỉ hoạ hình tạo ra những ly Latte đẹp mắt cùng hương vị thơm ngon hoà quyện bởi cà phê và sữa.

Muốn làm nên một tách Latte đẹp mắt để “sống ảo”, Barista phải có những kỹ năng nhất định

Latte là tên gọi của một loại thức uống được làm từ cà phê và sữa. Sữa phải cần được đánh lên bằng hơi nóng để tạo foam và đó chính là phần để tạo ra những hình ảnh đặt sắc trên ly latte. Nhưng để tạo ra foam sữa đúng chuẩn và vẽ ra những hình ảnh đó, thì barista cần có những kỹ năng nhất định.

Một ly Latte đẹp là sự kết hợp của việc chiết xuất espresso đúng kỹ thuật, đánh bọt sữa chuẩn và nghệ thuật tạo hình bài bản

Không chỉ là kỹ năng điều khiển được máy đánh sữa. Mà cần thêm những kỹ thuật tay khi đổ sữa tạo hình. Từ hai kỹ thuật đó tạo nên nghệ thuật latte art. Bởi vậy nên những ly latte được tạo “trọn vẹn”, tôi vừa cảm thấy thoả mãn, vừa trân trọng hơn tài năng của các bạn bartender. Đó là sự thoả mãn khi thưởng thức tách Latte tinh tế về hương vị, mùi vị, lẫn nhãn quan.

Kết

Theo dấu chân của thời gian, thưởng thức cà phê đã trở thành nét văn hoá không thể thiếu của người Việt. Còn gì tuyệt vời hơn mỗi dịp sum vầy, gia đình cùng ngồi với nhau hàn thuyên về những ly cà phê đậm đà. Cà phê là đầu câu chuyện, là sợi dây kết nối cho những thế hệ. Dù có gu thưởng thức khác nhau, nhưng vẫn luôn trân trọng và dành một tình yêu cho thức uống say mê lòng người đấy.

Xem thêm: Văn hoá cà phê của người Việt

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *