Mô hình kinh doanh chuỗi cà phê tại Việt Nam ngày càng cạnh tranh khốc liệt hơn với sự tham gia của hàng loạt “tay chơi” trong và ngoài nước.
5 chuỗi cà phê lớn nhất đang dẫn đầu ở Việt Nam bao gồm: Highlands Coffee, Starbucks, The Coffee House, Phúc Long và Trung Nguyên. Các nhân tố “nổi tiếng” khác trên thương trường như Vinamilk, HAGL, NutiFood… hoàn toàn có thể vượt mặt nếu thực sự nghiêm túc trong sân chơi này.
Nổi lên mạnh mẽ của chuỗi cà phê “Ông Bầu”
Cà phê Ông Bầu chào sân thị trường cà phê chuỗi. Ông Bầu là “chảo lửa” trong lĩnh vực đồ uống ở Việt Nam. Họ có tốc độ tăng trưởng mạnh và nhiều tiềm năng to lớn. Đứng sau thương hiệu này là 3 doanh nhân tên tuổi: Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL), Tập đoàn Đồng Tâm và NutiFood.
Mô hình cà phê Ông Bầu được tung ra thử nghiệm vào tháng 02/2020 Với mức giá bình dân. Nhìn vào mức giá cùng với chiến lược kinh doanh, đối thủ hiện tại của Ông Bầu chính là Milano. Điểm lợi thế của chuỗi Ông Bầu chính là hiệu ứng câu chuyện của các nhà sáng lập. Đặc biệt là nguồn cấp vốn với sự hỗ trợ từ KienLong Bank – nơi ông bầu Võ Quốc Thắng làm cố vấn.
Vinamilk tham chiến thị trường chuỗi cà phê
Tại Đại hội cổ đông 2020 vừa qua, các cổ đông của Vinamilk đã thông qua tờ trình bổ sung 9 ngành nghề kinh doanh của doanh nghiệp. Dịch vụ ăn uống, quán cà phê với thương hiệu Hi – Café là một trong số đó. Đây là sự đánh dấu tham gia vào thị trường chuỗi cà phê của doanh nghiệp có vốn hoá lớn top đầu thị trường chứng khoán hiện nay.
“Vinamilk có 430 cửa hàng Giấc mơ sữa Việt nên chúng tôi triển khai pha chế cà phê tại đó, với sữa là chính và cà phê là phụ. Cà phê mà pha với sữa Ngôi sao Phương Nam thì tuyệt vời, không có sữa nào ngon hơn. Đây là cách tận dụng lợi thế của mình để đi vào ngành nước giải khát”
Bà Mai Kiều Liên – Tổng giám đốc Vinamilk cho biết.
Dù Vinamilk có tiềm lực tài chính mạnh nhưng vẫn là một ẩn số với chiến lược hiện tại.
Doanh nghiệp “ngoại” lép vế
Cuộc chiến ở thị trường cà phê Việt Nam đang diễn ra ở chuỗi cà phê trung cấp. Với các chiến binh nội có thể kể đến là Trung Nguyên Legend, The Coffee House, Cộng và Phúc Long. Cùng những “kẻ xâm lược” khác như Starbucks, Wayne’s Coffee và sắp tới có thể là Cafe Amazon.
Về phía các doanh nghiệp trong nước, có thể kể đến The Coffee House. Điểm khác biệt của chuỗi này là không đầu tư vào những vị trí hot. TCH nhấn mạnh vào thực đơn thức uống phong phú, đổi mới liên tục, diện tích rộng. Hiện tại, doanh thu của TCH đứng thứ 2 trong các chuỗi cà phê.
Một đơn vị khác là Trung Nguyên cũng đang nhanh chóng dành thị trường cà phê Việt Nam. Tính đến tháng 6/2019, Trung Nguyên có 66 cửa hàng Trung Nguyên Legend và 36 cửa hàng E-coffee theo mô hình chuyển nhượng. Trong đó, Trung Nguyên E-Coffee đang hướng đến trở thành hệ thống cửa hàng bán lẻ cà phê lớn nhất cả nước.
Sau gần 6 năm gia nhập, hiện Starbucks mới mở khoảng 40 cửa hàng trên khắp Việt Nam. Tính trong tương quan so với các thị trường khác, thì Starbucks chưa thật sự phát triển nhiều ở đây.
Một số thương hiệu nước ngoài vào Việt Nam từ khá lâu nhưng vẫn không thể cạnh tranh. Có thể kể đến chuỗi cà phê Bene của Hàn Quốc từng rầm rộ khi đến Việt Nam cũng im ắng rời đi mà không ai biết.
Một số cái tên khác cũng âm thầm rút lui như: The Coffee Bean & Tea Leaf, New York Dessert Coffee, Coffee Bar.
Chinh phục người Việt không dễ…
Do đặc tính sử dụng, các chuỗi cà phê của người Việt Nam đang mở rộng nhanh và hoạt động tốt hơn so với các chuỗi cà phê quốc tế đang hoạt động trên thị trường. Ngoài ra, việc rẻ hơn, thích ứng nhanh hơn với các xu hướng mới giúp các chuỗi cà phê Việt Nam thắng thế.
Người Việt Nam sử dụng loại đồ uống được ủ bằng hạt cà phê robusta. Với hàm lượng caffeine từ 2-4%, cà phê robusta có vị đắng gắt hơn so với hạt cà phê arabica. Phương Tây thì lại chủ yếu dùng hạt cà phê arabica.
Một ly cà phê Việt Nam chưa tới 1 USD/ly, rẻ hơn nhiều so với các chuỗi nước ngoài. Dù cà phê giá rẻ nhưng người thưởng thức còn có các dịch vụ đi kèm như đánh giày hay sử dụng wifi hoàn toàn miễn phí. Hơn nữa, Việt Nam có hàng nghìn, thậm chí là chục nghìn những quán cà phê như thế.
Kết luận
Thị trường Việt Nam được đánh giá là tiềm năng cho các chuỗi cà phê toàn cầu. Đó cũng là lý do nhiều hãng muốn mở rộng tại thị trường Việt Nam.
Có thể thấy được những toan tính của các chuỗi cà phê thuần Việt cũng như quyết tâm của các “ông lớn” ngoại quốc cả mới lẫn cũ. Cuộc chiến trên thị trường chuỗi cà phê sẽ càng khốc liệt hơn. Nhiều khả năng, chiến trường sẽ dời về các quận/huyện ngoại ô ở các thành phố lớn và các tỉnh lẻ.
(Theo Thời báo kinh doanh)
Có thể bạn quan tâm: