Đến Châu Đốc, nhớ thưởng thức món bún kèn lạ lẫm từ cái tên cho đến hương vị

Bún kèn là một món ăn đặc sắc, lạ vị của người dân Châu Đốc làm nức lòng thực khách phương xa.

Có thể nói, đại diện tiêu biểu nhất cho sự phong phú và đa dạng của ẩm thực Việt Nam chính là các món bún. Đi dọc ba miền tổ quốc, bạn có thể thưởng thức mãi mà không hết các sự kết hợp từ bún. Ở đầu cầu phía Bắc nổi danh với bún chả, bún đậu hay bún ốc nguội… Về “khúc ruột” miền Trung thì đậm đà hương vị biển trong tô bún chả cá. Và đến Châu Đốc sẽ chào đón thực khách bằng một hương vị độc đáo mang tên bún kèn.

FB Trịnh Gia Lệ

Ấn tượng đầu tiên là cái tên gọi lạ lẫm khiến nhiều người cứ “đoán già đoán non”, không biết món bún này được nấu từ nguyên liệu gì và hương vị như thế nào. Thực chất, từ “kèn” hay “khèn” được vay mượn từ đồng bào người Khmer, mang ý nghĩa “nấu bằng nước cốt dừa”. Đến đây, phần nào đã giải đáp được thắc mắc ban đầu của bạn rồi đấy. Bún kèn Châu Đốc chính là sự giao hòa tinh tế từ vị ngọt của cá đồng trong làn nước dùng béo ngậy vị dừa.

Ở miền Tây thì khỏi phải bàn về độ tươi ngon của các loại cá đồng, bởi thế mà người dân có thể tận dụng nào cá lóc, cá bông hay cá rô để chế biến món ăn. Nhưng đối với bún kèn, cá phải là loại có thịt nhiều, săn chắc mới đem lại vị ngọt tươi cho món ăn. Công đoạn chuẩn bị cho một nồi bún kèn đặc sắc đòi hỏi sự khéo léo và tỉ mỉ từ người nấu. Cá luộc chín và tách bỏ thật sạch xương và da, những xớ thịt trắng mướt sẽ được giữ lại.

Nhờ được xào sơ cùng các phụ gia như bột cà ri, bột quế, đinh hương… mà một màu vàng ươm bắt mắt sẽ ướm lên làm cho thịt cá vừa thơm, vừa đậm đà. Khác với bún kèn Phú Quốc là cá được xay nhuyễn thì người Châu Đốc giữ nguyên từng miếng cá để thực khách cảm nhận trọn vẹn mọi hương vị.

Nồi nước dùng mới chính là điều tạo nên sự thành công của món ăn này. Tận dụng lại nước luộc có khi nãy rồi hòa vào cùng là nước cốt dừa mới vừa vắt xong. Cái béo cái thơm từ từ dậy lên khiến ai cũng phải xuýt xoa. Và thêm thắt bột cà ri, ngũ vị hương, đặc biệt là phải có kroeung – một loại gia vị của người Khmer thì nước dùng mới đúng chuẩn. Trên bếp lửa riu riu, nồi nước dần thấm đều và hòa hợp từng hương vị thật bắt mắt và đậm đà.

Tô bún kèn bày ra trong sự háo hức của thực khách, ai cũng phải ngất ngây với làn nước sền sệt, thơm nức mũi đang hòa quyện vào từng sợi bún. Những miếng cá vàng ươm, đẫy đà điểm xuyết trên bề mặt, nào là rau thơm, giá đỗ… góp sắc thêm hương cho món thật đủ đầy. Chỉ cần chạm môi, khuôn miệng của bạn như bung tỏa trong cái béo ngậy, thơm nồng và chốt hạ là xớ thịt cá đậm mùi, ngọt tươi. Món ăn đọng lại ở cổ họng cái man mát, thanh thanh khiến người ta nhớ mãi.

Lớp rau, giá không chỉ để làm nền mà nhờ cái giòn của dưa leo, giá đỗ, chút nồng nàn của rau thơm giúp tô bún ngậy vị được cân bằng hơn. Bởi thế mà người ta ăn hết cả tô cũng vẫn chưa thấy đủ, cứ chực chờ tô thứ 2, thứ 3 cho đã miệng. Đi kèm với tô bún kèn phải có chén muối ớt chanh để chấm cùng là “chuẩn không cần chỉnh”.

Đặc sắc, thơm ngon là thế nhưng không phải dễ tìm bún kèn ở Châu Đốc. Món chẳng có ở nhà hàng, quán ăn hạng sang nào đâu mà người dân thường chỉ tìm đến những hàng bún lề đường. Bởi thói quen của người miền Tây rất giản dị, mộc mạc. Họ muốn thưởng thức một hương vị đúng chất vùng sông nước, cá đồng, rau đồng, ấy thế mà lại níu kéo vị giác một cách kì lạ. Nếu về vùng này, đừng bỏ qua cơ hội thưởng thức tô bún kèn Châu Đốc để khám phá sự đặc sắc của ẩm thực miền Tây bạn nhé!

Bánh Bao
Theo Trí Thức Trẻ
Nguồn: Kênh 14

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *