Bất chấp mâu thuẫn của vợ chồng ông Đặng Lê Nguyên Vũ, G7 vẫn tăng trưởng thần tốc, lọt top 1 thương hiệu cà phê được yêu thích nhất tại Trung Quốc

Vượt qua các đối thủ toàn cầu, cà phê G7 của tập đoàn Trung Nguyên đang dẫn dầu top bình chọn tại thị trường tỷ dân, vượt qua các thương hiệu của Mỹ. Nhật Bản hay Malaysia.

Trung Nguyên Legend mới đây đăng tải thông tin cho biết cà phê G7 là thương hiệu được yêu thích và tin dùng nhiều nhất Trung Quốc. Đây là kết quả từ các phân tích của Chnbrand – cơ quan xếp hạng thương hiệu hàng đầu Trung Quốc.

Bảng xếp hạng cũng cho thấy G7 là thương hiệu cà phê duy nhất của Việt Nam vượt qua các thương hiệu cà phê Nhật Bản, Mỹ, Malaysia, Đài Loan để chiếm lĩnh vị trí đứng đầu trong trái tim người yêu và đam mê cà phê tại thị trường tỷ dân này.

Cũng theo thông tin từ tập đoàn này, các sản phẩm cà phê của Trung Nguyên Legend đang dẫn đầu về chỉ số yêu thích và tin dùng trên các trang bán hàng trực tuyến hàng đầu Trung Quốc như Alibaba, JD.com, Taobao.com, Tmall.com, Yihaodian.com… đồng thời hiện diện tại trên 1.000 siêu thị ở quốc gia này.

Tại các thị trường quốc tế khác như Mỹ, Châu Âu, hay châu Á, G7 cũng đang có những bước tiến mạnh mẽ tương tự.

Theo Trung Nguyên Legend, với tốc độ tăng trưởng gần 200% tại châu Á, G7 đang bao phủ rộng khắp hệ thống các siêu thị, trung tâm thương mại, chuỗi cửa hàng tiện lợi, kênh thương mại điện tử và hệ thống hiệu thuốc… Đặc biệt, G7 đã chinh phục hoàn toàn thị trường khó tính như Hàn Quốc để xuất hiện toàn diện tại hệ thống thương mại của Lotte mart (122 cửa hàng), Homeplus (530 cửa hàng), Emart (356 cửa hàng)…

Trong khi đó, tại thị trường Mỹ, trung tâm tiêu thụ lớn nhất thế giới, chiếm hơn 1/5 doanh số bán lẻ toàn cầu, thương hiệu cà phê đến từ Việt Nam đã vượt qua các kiểm định nghiêm ngặt và được bày bán tại hơn 800 cửa hàng của Costco, một trong hai nhà bán lẻ hàng đầu tại Mỹ.

Ra mắt thị trường Việt Nam lần đầu tiên vào cuối năm 2003, Cà phê G7 là thương hiệu cà phê hòa tan của Tập đoàn Trung Nguyên , bao gồm nhiều sản phẩm khác nhau như G7 3in1, 2in1, G7 hòa tan đen,…

Ông Đặng Lê Nguyên Vũ từng lý giải Trung Nguyên chọn thương hiệu G7 vì đó là một tên ngắn gọn dễ đọc, dễ nhớ không những với khách hàng trong nước mà cả với khách hàng nước ngoài. Là chữ viết tắt cho “Group of Industrial Countries” gồm 7 quốc gia phát triển trên thế giới ( Mỹ , Anh , Pháp , Nhật , Canada , Đức , Ý ), G7 còn là những thị trường mục tiêu định hướng cho sản phẩm cà phê hòa tan của Trung Nguyên vươn tới.

Tuy nhiên cuối 2017, việc xuất khẩu các lô hàng cà phê hòa tan G7 gặp nhiều vướng mắc do tranh chấp thương hiệu giữa hai vợ chồng ông Đặng Lê Nguyên Vũ. Sang đến 2018, bà Thảo đã từng đề nghị chia tách tập đoàn Trung Nguyên hiện hữu thành 2 nhóm “Trung Nguyên” và “G7”, trong đó Trung Nguyên chủ yếu gắn với các sản phẩm rang xay, hệ thống cửa hàng cũng như một số sản phẩm cà phê hòa tan.

Với kết quả sơ thẩm hồi tháng 3 vừa qua, ông Vũ được quyền sở hữu toàn bộ Trung Nguyên cũng như thương hiệu G7, nhưng phải thanh toán lại cổ phần bằng tiền mặt cho bà Thảo, trong đó cổ phần được chia theo tỷ lệ ông Vũ 6, bà Thảo 4 . Đến thời điểm hiện tại, cả 2 bên đều đang kháng cáo bản án sơ thẩm, vụ việc vẫn chưa có diễn biến mới.

Nhật Anh
Theo Trí Thức Trẻ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *