Ở Hà Nội có 1 hàng bánh trôi tàu nhân thịt nấm 20 năm: bán 3 tiếng mà hết bay 7 thùng chè bánh

Bánh trôi tàu ở đây có gì đặc biệt mà lại đông khách đến thế nhỉ? Cùng khám phá hàng bánh trôi lâu đời này xem có gì hấp dẫn nhé.

Hà Nội mùa đông mà có hỏi nhau “trời lạnh thế này nên ăn gì” thì gần như ai cũng sẽ nghĩ ngay đến món bánh trôi tàu. Hay như mấy ngày nay đất trời Hà Nội bỗng nhiên trở rét, cái đợt rét kinh khủng nhất từ đầu mùa đến giờ, lúc nào cũng chỉ muốn được cầm bát bánh trôi tàu nóng hổi ôm trọn trong lòng 2 bàn tay, xoa xoa nhè nhẹ để hưởng chút hơi ấm rồi sau đó nhâm nhi từng miếng bánh ngọt lịm, húp thìa nước đường thơm đậm mùi gừng, còn gì thích thú bằng.

Trời đông Hà Nội, chẳng còn gì thích hợp hơn là món bánh trôi tàu. Bánh trôi tàu và mùa đông đúng là một cặp bài trùng bởi mùa đông thì nhất định phải đi ăn bánh trôi tàu, mà cái món ăn siêu ngọt, siêu nóng này thì nhất định phải đi ăn vào mùa đông mới thấy được cái ngon hoàn hảo nhất.

Ở Hà Nội thì có vô vàn hàng bánh trôi tàu, từ Hàng Giầy, Hàng Cân, Hàng Điếu cho tới Bạch Mai… Thế nhưng, nếu bạn bỏ qua hàng bánh trôi tàu ở Đê Tô Hoàng thì sẽ rất đáng tiếc đó.

Không hàng quán, cũng chẳng biển hiệu, quán bánh trôi tàu ở Đê Tô Hoàng thực chất là một gánh bánh trôi vô cùng giản dị. Hồi trước, cô Vân, chủ của gánh bánh trôi thường gánh hàng đi bán rong, mãi sau này thì cô mới về đây ngồi.

Quán bánh nhỏ nép mình trong con phố, dưới tán hoa giấy đoạn giữa căn nhà số 98 và 100 trên con đường Đê Tô Hoàng. Hôm nay, trời lâm thâm mưa và lạnh hơn ngày thường. Cái thứ mưa phùn ẩm ương rất dễ khiến người ta chùn chân bước ra ngoài. Ấy thế mà từ khoảng 3 giờ chiều, vào cái giờ mà cô Vân thường bắt đầu tất tả gánh hàng ra đây ngồi, khách đã bắt đầu lác đác đến ngồi chờ sẵn.

Nghe nhiều người kể quán đông lắm, thế nên tôi cũng cố gắng đến sớm từ 3 giờ để kịp ăn những bát bánh nóng hổi đầu tiên trong ngày. Hôm nay dường như cô mở muộn hơn ngày thường đôi chút. Có vài ba cô dường như là khách quen đã đến ngồi sẵn ở đó chờ cô Vân gánh hàng đến.

Vừa đặt gánh hàng xuống là cô Vân tất bật xếp bát múc bay ngay lập tức để khách không phải chờ lâu. Và chỉ khoảng 15 phút sau, khách bắt đầu đông nườm nượp. Người đến ngồi ăn ngay tại đó, người đến mua mang đi…

Gánh hàng của cô Vân mở ra cũng phải hơn 20 năm rồi. Công thức làm bánh trôi này cô học từ gia đình nhà chồng, cũng là một gia đình có nghề truyền thống làm bánh trôi.

Mỗi ngày, cô Vân mở từ khoảng 3 giờ chiều, hôm thì muộn hơn khoảng 15 – 20 phút gì đó. Vừa ngồi ăn bánh trôi vừa trò chuyện với cô một lúc mà lượt khách ra khách vào chẳng kịp đếm. Khách tới rồi đi, những người ngồi ăn ở đây cũng biết rằng còn nhiều lượt khách khác đang chờ nên ăn xong họ cũng nhanh chóng trả tiền rồi đứng lên nhường chỗ.

Cô Vân kể, mỗi ngày, cô bán khoảng 3 tiếng, từ 3 giờ chiều đến khoảng 6 giờ. Hôm hết muộn thì gần 7 giờ, còn những hôm khách đông thì chỉ khoảng 5 giờ là cô hết hàng rồi. Ngày nào cô cũng chuẩn bị sẵn 3 – 4 thùng bánh trôi tàu (loại thùng xốp giữ ấm cỡ vừa), một thùng chè bà cốt, một thùng chè đậu đen, một thùng chè sắn. Ngày nào cũng bán hết nhẵn từng ấy.

Bánh trôi được cô để trong một chiếc nồi to ở một bên quang gánh, cứ hết thì lại lấy từ thùng cho vào. Mở chiếc vung nồi ra, nhìn mấy chiếc bánh trắng trẻo, trọn trịa chen chúc nhau thôi cũng thấy thật thích mắt rồi.

Bánh trôi của hàng cô Vân có 3 loại nhân: nhân thịt, nhân vừng và nhân đỗ xanh. Một điều rất thú vị là viên bánh trôi đều chằn chặn, viên nào viên nấy y chang nhau, vậy nhưng cô Vân vẫn biết đâu là viên thịt, đâu là viên vừng hay đỗ xanh… Khách đến có vui miệng thắc mắc thì cô bảo: “Bánh cô làm ra, làm sao mà cô không biết”.

Vỏ bánh mềm, mỏng và dẻo đủ độ. Nhân bánh đỗ xanh và vừng đen được nghiền nhuyễn, mỗi thứ một hương vị riêng.

Đặc biệt nhất vẫn là chiếc bánh trôi nhân thịt. Thịt xay được trộn với nấm hương, mộc nhĩ, thái nhỏ, hạt tiêu, nêm nếm chút gia vị cho vừa vặn. Tưởng như vô lý, nhưng bánh trôi nhân thịt ăn với nước đường gừng ngọt vẫn ngon vô cùng.

Phần nước bánh trôi cũng đặc biệt lắm! Nước ở đây không quá đặc, cũng không ngọt nhiều như ở nơi khác nên ăn rất vừa miệng. Cái đặc biệt nữa là mùi gừng rõ ràng nên ăn trong những ngày đông này thì cực hợp và ấm nữa. Cô Vân lại cho thêm rất nhiều dừa nạo và lạc vừng xay nên bát bánh trôi trông vừa đẹp mắt mà ăn cũng thơm và hấp dẫn vô cùng.

Mỗi bát bánh trôi thường có 3 viên, giá 15k. Cô Vân rất chiều khách nên ai muốn ăn nhân gì thì cứ nói để cô Vân múc chứ cô chẳng bao giờ càu nhàu mấy chuyện đó.

Ngoài bánh trôi tàu, hàng cô Vân còn có cả món chè bà cốt, chè sắn, chè đậu đen. Chè sắn có thêm cả trân châu nhân dừa, sắn hấp rồi bẻ thành từng miếng nhỏ nấu với thứ bột trong sền sệt màu hổ phách trông vô cùng hấp dẫn. Chè đậu đen và chè bà cốt nấu đặc sền sệt, nêm đủ độ ngọt nên khách ăn rất thích. Đặc biệt, chè bà cốt thì không thể thiếu xôi vò. Những món này tuy không bán “chạy” bằng bánh trôi nhưng khách cũng rất thích ăn.

Ngoài ngồi ăn tại chỗ, rất nhiều khách hàng chọn cách mua mang về. Gánh hàng của cô Vân cứ thế tấp nập từ lúc mở ra cho đến xẩm tối.

Hà Nội ngày đông, có gì thú vị hơn ngồi ăn một bát bánh trôi tàu ấm nóng, rôm rả vài ba câu chuyện thời tiết, chuyện đời thường, chuyện ngày nay ngày mai… Và đó, gánh bánh trôi bình dị của cô Vân vẫn ngày ngày trở thành điểm đến của những vị khách như vậy.

Bánh trôi tàu Đê Tô Hoàng
Địa chỉ: đoạn số nhà 98 – 100 đường Đê Tô Hoàng, Hai Bà Trưng, Hà Nội Thời gian mở cửa: 15h – 18h
Giá cả: 12 – 15k

NGỌC ÁNH, CÒI,
NGỌC KHANH, THẢO NÀO
Theo Trí Thức Trẻ
Nguồn: Kênh 14

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *